số lượt

số lượt

số lượt

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Học tiếng Anh theo phong cách Hiếu Hoàng


Học tiếng Anh theo phong cách Hiếu Hoàng

                          


Listening

Rất nhiều người hỏi tôi làm thế nào để học tốt listening, tôi đều trả lời cùng 1 câu: luyện tập nghe nhiều hơn. Đúng vậy đấy, giải pháp cho vấn đề listening thật đơn giản: chỉ cần luyện nghe thường xuyên hơn. Có thể trong khoảng thời gian đầu bạn không thấy mình cải thiện nhiều, nhưng bạn đừng quá lo lắng suy nghĩ nhiều về điều đó. Thông thường nếu bạn luyện mỗi ngày thì sau 6 tháng khả năng nghe của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều.
Vậy phải nghe cái gì để luyện đây? Bạn có thể nghe bất kì cái gì cũng được. Nội dung không quan trọng. Tôi thường lên Youtube mỗi ngày để xem video tin tức công nghệ, đồng thời cũng luyện listening luôn. Tôi cũng chép file mp3 vào điện thoại để tranh thủ luyện nghe mỗi khi rảnh. Tôi rất thích Audio book nên tôi lên mạng tìm và download về. Vừa luyện nghe vừa có được kiến thức. Tôi cũng nghe trước khi đi ngủ. Nằm trên giường, nhắm mắt lại, gắn tai nghe vào và nghe.
Để cải thiện listening thì chỉ có 1 cách duy nhất: đó là LUYỆN NGHE NHIỀU HƠN. Sờ dĩ khả năng nghe của bạn thấp là do bạn quá ít luyện nghe. Vậy ngay từ hôm nay hãy lên thời khóa biểu luyện nghe cho mình. Sáng sau khi thức dậy, vừa làm vệ sinh cá nhân vừa nghe. Buổi trưa lúc nằm nghỉ thì luyện nghe thêm 1 lần nữa. Còn buổi tối trước khi đi ngủ thì lại nghe. Với cường độ luyện nghe kiểu đó thì bạn không muốn nghe giỏi cũng phải giỏi.

Reading

90% vấn đề mà bạn gặp phải với môn reading là do TỪ VỰNG. Tôi muốn bạn đọc lại câu vừa rồi 1 lần nữa và thực sự ghi nhớ nó. Chính TỪ VỰNG là rào cản lớn nhất đối với môn reading. Hãy nhớ lại lần kiểm tra reading gần đây nhất. Bạn gặp bao nhiêu từ mình không hiểu nghĩa mà phải doán bừa? Bạn đọc bao nhiều lần bài text mà vẫn không hiểu? Nếu bạn gặp vấn đề này thì nghĩa là vốn từ vựng của bạn quá kém.
Bạn có học từ vựng mỗi ngày chứ? Nếu không thì bao nhiêu lần trong 1 tháng? Nếu câu trả lời của bạn là dưới 1 lần thì tôi khuyên bạn nên bắt đầu học từ vựng ngay từ ngày mai. Từ vựng là những viên gạch của ngôn ngữ, còn ngữ pháp chính là xi măng giúp kết dính những viên gạch đó lại với nhau. Không có từ vựng thì giỏi ngữ pháp cũng vô dụng, cũng chẳng hiểu được gì.
Vậy phải học từ vựng như thế nào? Cái này là tùy ở bạn. Nếu bạn thích cần tờ giấy có ghi danh sách từ vựng trong đó thì xin cứ việc. Còn theo phong cách của tôi là kết hợp học từ vựng qua đọc sách. Trong ổ cứng trên máy của tôi có hàng ngàn cuốn ebook có chủ đề mà tôi ưa thích. Và tôi thường chọn ra 2 – 3 cuốn để đọc mỗi ngày. Trong quá trình đọc nếu như có từ nào không hiểu, tôi sẽ đánh dấu lại cả câu có chứa từ đó. Sau khi đọc hết chương đó thì tôi sẽ quay lại những chỗ đánh dấu và tra từ điển trên máy để tìm nghĩa của nó.
Tại sao phải đánh dấu cả câu thay vì chỉ riêng 1 từ? Bởi vì từ vựng sẽ có nghĩa khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh. Cho nên xem xét từ vựng trong ngữ cảnh của cả câu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn ý nghĩa của nó. Đồng thời việc xem cả câu sẽ giúp bạn ghi nhớ từ vựng đó lâu hơn vì bản thân từ vựng không nói lên 1 ý hoàn chỉnh như cả câu. Hay nói cách khác, ngữ cảnh sẽ gợi nhớ từ vựng hiệu quả hơn.
Còn 1 tuyệt chiêu nữa trong reading mà tôi cũng muốn chia sẻ với bạn. Đó là ĐỌC THẬT NHANH. Nhiều người nghĩ rằng đọc nhanh sẽ bỏ sót ý khiến họ không hiểu nội dung trọn vẹn. Thực ra, chính việc đọc quá chậm mới khiến bạn bỏ sót ý quan trọng. Như tôi đã nói lúc nãy, từ vựng không mang một ý nghĩa hoàn chỉnh. Do đó, nếu bạn đọc quá chậm thì bạn chỉ tóm được nghĩa của từ mà thôi. Còn khi đọc nhanh, bạn sẽ bao quát được cả câu và ý nghĩa của câu thì luôn trọn vẹn. Như vậy bạn sẽ cảm thấy dễ hiểu hơn khi đọc.
Và đây là bí quyết cuối cùng, bạn HÃY ĐỌC LIÊN TỤC ĐỪNG NGHỈ. Nghĩa là đừng để bất kì cái gì làm gián đoạn quá trình đọc của bạn. Khi gặp từ vựng không hiểu, bạn đánh dấu vị trí rồi cứ tiếp tục đọc. Nếu gặp từ vựng không hiểu nữa thì vẫn làm như vừa rồi. Tại sao lại phải đọc liên tục? Bí quyết là để dòng suy nghĩ của bạn chảy liên tục. Để tôi giải thích thêm. Bạn có bao giờ xem 1 bộ phim rất hay và nó đang đến hồi gay cấn. Bỗng nhiên, màn hình TV nhảy sang chương trình quảng cáo. Bạn cảm thấy thế nào? Rất khó chịu đúng không? Và sau chương trình quảng cáo, bạn quay trở lại để xem tiếp bộ phim. Nhưng lúc này bạn không còn cảm hứng như lúc đầu nữa. Bởi vì dòng suy nghĩ của bạn bị gián đoạn. Reading cũng vậy, nếu như đang đọc mà bạn cắt ngang để làm việc khác thì dòng suy nghĩ của bạn của bạn cũng bị gián đoạn.
Speaking và Writing là kết quả của Listening và Reading. Nếu bạn nghe tốt thì bạn cũng sẽ nói tốt và nếu bạn đọc tốt thì cũng viết tốt.

Speaking

Về môn speaking, vấn đề lớn nhất chính là phát âm. Vậy làm sao để phát âm tốt? Bí quyết ở đây chính là nghe nhiều. Bạn có thấy lạ không? Luyện speaking bằng cách nghe nhiều? Nghe có vẻ mâu thuẫn nhỉ? Xin thưa với bạn là không. Listening là trợ thủ đắc lực của speaking. Để tôi giải thích cho bạn tại sao lại như vậy. Khi bạn nghe nhiều, dần dần các khuôn mẫu phát âm sẽ in sâu vào tâm trí của bạn. Và sau này, khi bạn phát âm, bạn cũng sẽ có xu hướng cố gắng phát âm sao cho đúng khuôn mẫu mình đã quen nghe. Mỗi khi bạn phát âm sai thì bạn sẽ biết ngay liền và sẽ tự điều chỉnh để sao cho giống với cách phát âm mà bạn đã nghe trong quá trình luyện listening.
Tuy listening đóng vai trò quan trọng trong speaking, nhưng bạn cũng cần phải luyện phát âm, dặc biệt là ngữ điệu. Quả thực để có thể nói giống người bản xứ không dễ chút nào vì chúng ta bị ảnh hưởng của tiếng Việt quá nhiều. Cho nên khi bắt đầu, bạn không cần phải cố gắng quá sức. Bạn cứ nghe và cố phát âm sao cho thật giống là được. Nhớ chú ý đến ngữ điệu.

Writing

Về phần Writing, cũng có một bí quyết để thành công trong môn này. Đây là điều rõ ràng ngay trước mắt nhưng lại chẳng ai thấy. Bạn hãy nghe kĩ đây: HÃY VIẾT NHƯ NÓI. Đúng vậy đấy, bạn nói thế nào thì hãy viết như thế đó. Nếu bạn cảm thấy khó khăn không biết mình phải nhập đề thế nào nghĩa là bạn đang cố gắng viết không như bạn nói. Bạn biết đấy, nói là 1 việc rất tự nhiên. Bạn không cảm thấy khó khăn khi bạn nói đúng không, ý tôi là tiếng Việt đấy? Thực ra bạn không cần phải có vốn từ vựng quá nhiều hay kiến thức ngữ pháp quá cao để có thể viết tốt. Bởi vì trong writing, điều làm nên thành công chính là nội dung chứ không phải hình thức con chữ hay câu cú. Nếu bạn không tin tôi thì xin hãy mua 1 vài quyển sách bán chạy nhất về mà xem. Tôi đơn cử quyển “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” của Adam Khoo. Bạn hãy giở ra mà xem, ông ấy VIẾT NHƯ NÓI. Đọc sách bạn có cảm giác như ông ấy đang nói chuyện trực tiếp với mình. Tôi đã đọc rất nhiều sách và tôi có thể khẳng định với bạn rằng, sách nào có văn phong bình dân, giản dị, gần gũi với một nội dung hay thường là những quyển sách bán chạy nhất. Cũng có rất nhiều quyển sách có nội dung rất hay nhưng tiếc rằng cách viết và văn phong lại quá trang trọng, khiến cho bài viết càng thêm khó hiểu. Một ví dụ khác đó chính là bài viết bạn đang đọc đây. Bạn có cảm thấy khó hiểu không? Khi tôi viết những dòng này là tôi đang tưởng tượng bạn đang ngồi trước mặt tôi, và tôi đang nói chuyện với bạn. Đây là những gì tôi nói với bạn nhưng ở dạng chữ viết. Đơn giản vậy đấy.
Tóm lại, trong tất cả những bí quyết mà tôi đã nêu ra, thì có 1 bí quyết đều áp dũng cho các 4 kĩ năng, đó là: LUYỆN TẬP, LUYỆN TẬP và LUYỆN TẬP. Vâng, hãy luyện tập thật nhiều vào thì bạn sẽ trở nên thành thạo.

PRACTICE IS THE MOTHER OF SKILLS.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét