số lượt

số lượt

số lượt

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Học làm giàu? Liệu có được?


Học làm giàu? Liệu có được?

Bí mật của những tay diễn giả cuối cùng cũng được tiết lộ

Phong trào “học làm giàu” đang trở nên nở rộ trong thời gian gần đây. Các khóa học liên tục được mở ra với những cái tên nghe rất kêu như “Bí mật tư duy triệu phú” hay “Bí mật của người giàu”… và những tay diễn giả của những khóa học này cũng rất giàu. Nhưng có một điều mà bạn không biết đó là HỌ LÀM GIÀU BẰNG CÁCH KHÁC HOÀN TOÀN CÁCH HỌ DẠY BẠN.
Có một lần tôi xem được một video trên Youtube quay lại một buổi seminar dạy về bán hàng đa cấp. Và trong buổi nói chuyện đó, tay diễn giả thú nhận rằng ông ta chưa bao giờ tham gia hình thức kinh doanh này. Nếu tôi có mặt trong buổi seminar đó, sau khi nghe câu này, tôi sẽ đứng dậy, đòi tiền lại và ra về.
Có rất nhiều tay diễn giả ở VN “làm giàu bằng cách dạy làm giàu”. Hầu hết bọn họ chẳng bao giờ thực hành những gì họ dạy. Lấy ví dụ tay diễn giả trên, ông ta chẳng bao giờ tham gia bán hàng đa cấp vậy sao ông ta có thể có kinh nghiệm để truyền đạt cho người khác. Tôi hỏi bạn nhé, bạn có bao giờ nghe lời khuyên giảm cân từ một người béo phì không? Bạn có bao giờ nghe lời khuyên bỏ thuốc lá của bác sĩ trong khi tên bác sĩ đó cầm điếu thuốc và hút phì phèo? Bất cứ những ai có não sẽ không bao giờ nghe những lời khuyên đó. Và nếu bạn cũng có não, bạn cũng sẽ không nghe theo những tay diễn giả dạy làm giàu này.
Xin bạn đừng hiểu lầm ý tôi, tôi hoàn toàn không có ý nói tất cả diễn giả đều ba xạo. Ý tôi muốn nói ở đây là: Hãy thận trọng khi tham dự bất kì khóa học nào. Đặc biệt là về làm giàu. Bởi vì nếu không cẩn thận, bạn sẽ mất vài triệu đồng một cách vô ích. Và bạn biết gì nữa không? Bạn đang góp phần làm giàu cho những tay diễn giả rỗng tuếch đó. Một khóa học thông thường bạn phải đóng khoảng trên dưới 10 triệu. Giả sử khóa học đó có 100 người đăng kí, tay diễn giả thu về 1 tỷ đồng. Ngạc nhiên chưa? Bạn chưa bao giờ nghĩ đến điều đó phải không? Tuy nhiên, 100 người đăng kí cho một khóa học là quá ít ỏi. Một khóa học theo tôi được biết có thể lên tới cả ngàn người, và bạn hãy làm phép nhân đơn giản xem ông ta thu về được bao nhiêu. Bạn thấy đấy, chỉ cần đứng phun nước bọt vài giờ đồng hồ kiếm được tiền tỷ. Trong khi đó, những gì ông ta dạy là những điều mà bạn có thể có được bằng cách bỏ vài chục ngàn mua sách về đọc. Thực ra ông ta cũng lấy trong sách ra mà dạy đó thôi. Nếu bạn tinh ý bạn sẽ thấy chẳng có gì mấy tay diễn giả này dạy thực sự là nguyên bản của ông ta cả. Công việc mà bọn họ làm chủ yếu là tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau rồi chế biến, xào nấu lại và đi thuyết giáo. Cho nên khi bạn tham gia bất kì khóa học nào bạn cũng thấy đề cập đến “Luật hấp dẫn” hoặc những thứ như là “phải có tư duy của người giàu”, “suy nghĩ như người giàu”. Đúng là nực cười, một người đang nghèo mà bảo người ta phải tư duy, suy nghĩ như người giàu thì thật là điều không tưởng. Vật chất quyết định ý thức. Vật chất không có, thiếu thốn thì làm sao bảo ý thức người ta phải như người giàu có? Chỉ có những người bị bệnh hoang tưởng mới như vậy.

“Hãy bước đi và đừng nghĩ suy”

Sau đây là một vài lời khuyên của tôi cho bạn khi tham gia bất kì khóa học hay seminar nào:
Tìm hiểu thật kĩ về tay diễn giả của khóa học. Liệu ông ta có thực hành những gì mình dạy hay không? Liệu ông ta có đang làm giàu bằng cách bán seminar trong khi ông ta lại dạy bạn làm giàu bằng cách bán hàng đa cấp? Nếu bạn phát hiện ra tay diễn giả hoàn toàn không làm những gì họ dạy, bạn biết phải làm gì rồi đấy: “Hãy bước đi và đừng nghĩ suy”.
Công ty tổ chức khóa học bạn tham gia có khâu chăm sóc khách hàng không? Có nhiều công ty tổ chức những khóa học này khi tôi gọi điện đến thì không có ai trả lời máy, gửi email thì cũng không có ai hồi âm. Với tôi, bất kì công ty nào có khâu chăm sóc khách hàng không tốt thì nghĩa là công ty đó cũng tồi như cái khâu chăm sóc khách hàng của họ. Và nếu gặp phải những công ty như thế, bạn cũng biết phải làm sao rồi đấy: “Hãy bước đi và đừng nghĩ suy”.
Kết quả của những học viên trước có khả quan không? Bao nhiêu người tham dự khóa học làm giàu đó thực sự trở nên giàu có? Khi tham quan trang web của các khóa học, bạn chắc chắn sẽ thấy những lời nhận xét (Testimonial) của học viên. Tuy nhiên, bạn đừng quá quan tâm đến nó bởi vì những nhận xét đó đương nhiên phải tốt, phải tuyệt vời. Không chừng chính công ty đã tự bịa ra những lời nhật xét đó nhằm dụ bạn đăng kí khóa học của họ đấy. Tốt nhất là bạn hãy lên Google và tìm kiếm thông tin về khóa học và những lời bình luận, nhận xét của những học viên trước mà không phải là ở trang web của công ty tổ chức khóa học này. Do đó bạn sẽ có được những nhận xét khách quan hơn. Và đặc biệt bạn phải chú ý xem những người đã từng tham gia đó có thành công sau khóa học đó hay không? Họ có giàu sau khi học khóa học làm giàu hay không? Nếu không thì bạn phải biết làm sao rồi đấy: “Hãy bước đi và đừng nghĩ suy”.

Kết luận

Bạn biết tôi vừa nhận ra một điều gì không? Làm diễn giả thật giàu. Và quả thực, nếu bạn muốn làm giàu nhanh chóng và hiệu quả ư? Hãy làm diễn giả. Bạn chỉ cần đọc một vài quyển sách về chủ đề mình muốn trình bày, sau đó tổng hợp và xào nấu nó lại một chút để người ta không nói mình ăn cắp ý tưởng. Cộng với một cái miệng dẻo có thể nói liên tục trong nhiều giờ không nghỉ (cái này bạn phải luyện tập nhiều thì mới được, mặc dù tôi biết có nhiều người bẩm sinh đã làm được thế này) là bạn đã có thể làm diễn giả rồi đấy.
Cuối cùng, tôi muốn cám ơn ca sĩ Tuấn Hưng cho câu “Hãy bước đi và đừng nghĩ suy”.

Kĩ thuật luyện tiếng Anh bằng Google ít người biết


Kĩ thuật luyện tiếng Anh bằng Google ít người biết

Làm sao để biết mình phát âm đúng?

Bạn có bao giờ tự hỏi rằng mình phát âm từ tiếng Anh nào đó có đúng không? Người nghe mình phát âm liệu có hiểu được không? Tôi có một cách nhanh nhất để kiểm tra điều đó mà lại hoàn toàn miễn phí bằng Google.
Hãy làm theo cách tôi hướng dẫn dưới đây:
Đầu tiên bạn vào trang Google bằng trình duyệt Chrome (bắt buộc phải là Chrome, trình duyệt khác không được). Tính năng đặc biệt này chỉ dành cho trang Google phiên bản tiếng Anh cho nên bạn phải nhấn vào link Google.com in English ở góc dưới bên phải màn hình. Giao diện Google mới hiện ra với 1 cái biểu tượng micro nhỏ nằm ở phía bên phải khung gõ từ khóa tìm kiếm. Giờ bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng micro và click vào biểu tượng đó. Đọc to từ bạn muốn kiểm tra phát âm. Google sẽ nhận diện giọng nói của bạn để ghi ra từ đó trong khung từ khóa. Nếu bạn phát âm đúng, Google sẽ hiện ra chính xác từ bạn nói. Còn nếu sai thì nó sẽ hiện ra 1 từ lạ hoặc báo cho bạn biết là nó không hiểu bạn nói gì. Nếu vậy thì bạn hãy sửa phát âm của mình cho đến khi nào nó hiểu được và hiển thị chính xác những gì bạn nói. Bạn cũng có thể nói cả câu dài chứ không nhất thiết phải nói từng từ một.
Và đó cũng chính là cách nhanh nhất để kiểm tra phát âm của mình có đúng chuẩn không. Để cho thuận tiện cho việc truy cập về sau, tôi khuyên bạn nên bookmark trang này lại. Sau này khi bạn muốn tìm kiếm gì đó, chỉ cần bật Google lên và “hãy nói theo cách của bạn”.

Tra từ điển cấp tốc bằng Google?

Bạn muốn tra từ điển nhanh mà máy lại không có chương trình từ điển như Oxford. Không sao, bác Google già nua có thể giúp bạn một cách nhanh chóng.
Google cũng có chức năng từ điển được tích hợp trong nó. Tuy nhiên, cũng như tính năng tìm kiếm bằng giọng nói ở trên, tính năng này cũng chỉ có trong trang Google bản tiếng Anh (và trình duyệt nào cũng được, không nhất thiết phải Chrome). Do đó bạn cũng phải bấm vào link Google.com in English góc dưới bên phải màn hình nếu như bạn chưa vào.
Bây giờ, để tra cứu từ điển Google, bạn gõ theo cú pháp sau:
Define từ_bạn_muốn_tra
Ví dụ: bạn muốn tra từ Love, hãy gõ theo cú pháp:
Define love
Google sẽ hiển thị word family của từ love, phiên âm quốc tế và nút để bạn nghe phát âm nữa. Ngoài ra, Google cũng cung cấp thêm danh sách các từ đồng nghĩa và vài liên kết đến các trang từ điển online để tìm hiểu thêm.
Lưu ý là tất cả tính năng này đều nằm ở Google phiên bản tiếng Anh.

Kết hợp 2 tính năng trên?

Vâng, bạn có thể kết hợp 2 tính năng trên với nhau: dùng giọng nói để tra từ điển. Đây là cách tra từ hiệu quả nhất và nhanh nhất, đặc biệt là bạn không cần phải gõ từ muốn tra. Điều này giúp cho tốc độ tra từ càng nhanh hơn nữa, giúp bạn tiết kiệm thời gian.
Tôi lấy lại ví dụ ở trên, bạn muốn tra từ love. Lần này bạn không cần phải gõ define love mà bạn bật micro lên và nói “define love”. Google sẽ đưa ra nghĩa của từ đó cho bạn. Tôi thường dùng thủ thuật này mỗi khi viết essay mà cần tra nhanh nghĩa của từ nào đó, thay vì phải copy rồi paste hoặc phải gõ bằng tay, tôi dùng giọng nói.

Học tiếng Anh theo phong cách Hiếu Hoàng


Học tiếng Anh theo phong cách Hiếu Hoàng

                          


Listening

Rất nhiều người hỏi tôi làm thế nào để học tốt listening, tôi đều trả lời cùng 1 câu: luyện tập nghe nhiều hơn. Đúng vậy đấy, giải pháp cho vấn đề listening thật đơn giản: chỉ cần luyện nghe thường xuyên hơn. Có thể trong khoảng thời gian đầu bạn không thấy mình cải thiện nhiều, nhưng bạn đừng quá lo lắng suy nghĩ nhiều về điều đó. Thông thường nếu bạn luyện mỗi ngày thì sau 6 tháng khả năng nghe của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều.
Vậy phải nghe cái gì để luyện đây? Bạn có thể nghe bất kì cái gì cũng được. Nội dung không quan trọng. Tôi thường lên Youtube mỗi ngày để xem video tin tức công nghệ, đồng thời cũng luyện listening luôn. Tôi cũng chép file mp3 vào điện thoại để tranh thủ luyện nghe mỗi khi rảnh. Tôi rất thích Audio book nên tôi lên mạng tìm và download về. Vừa luyện nghe vừa có được kiến thức. Tôi cũng nghe trước khi đi ngủ. Nằm trên giường, nhắm mắt lại, gắn tai nghe vào và nghe.
Để cải thiện listening thì chỉ có 1 cách duy nhất: đó là LUYỆN NGHE NHIỀU HƠN. Sờ dĩ khả năng nghe của bạn thấp là do bạn quá ít luyện nghe. Vậy ngay từ hôm nay hãy lên thời khóa biểu luyện nghe cho mình. Sáng sau khi thức dậy, vừa làm vệ sinh cá nhân vừa nghe. Buổi trưa lúc nằm nghỉ thì luyện nghe thêm 1 lần nữa. Còn buổi tối trước khi đi ngủ thì lại nghe. Với cường độ luyện nghe kiểu đó thì bạn không muốn nghe giỏi cũng phải giỏi.

Reading

90% vấn đề mà bạn gặp phải với môn reading là do TỪ VỰNG. Tôi muốn bạn đọc lại câu vừa rồi 1 lần nữa và thực sự ghi nhớ nó. Chính TỪ VỰNG là rào cản lớn nhất đối với môn reading. Hãy nhớ lại lần kiểm tra reading gần đây nhất. Bạn gặp bao nhiêu từ mình không hiểu nghĩa mà phải doán bừa? Bạn đọc bao nhiều lần bài text mà vẫn không hiểu? Nếu bạn gặp vấn đề này thì nghĩa là vốn từ vựng của bạn quá kém.
Bạn có học từ vựng mỗi ngày chứ? Nếu không thì bao nhiêu lần trong 1 tháng? Nếu câu trả lời của bạn là dưới 1 lần thì tôi khuyên bạn nên bắt đầu học từ vựng ngay từ ngày mai. Từ vựng là những viên gạch của ngôn ngữ, còn ngữ pháp chính là xi măng giúp kết dính những viên gạch đó lại với nhau. Không có từ vựng thì giỏi ngữ pháp cũng vô dụng, cũng chẳng hiểu được gì.
Vậy phải học từ vựng như thế nào? Cái này là tùy ở bạn. Nếu bạn thích cần tờ giấy có ghi danh sách từ vựng trong đó thì xin cứ việc. Còn theo phong cách của tôi là kết hợp học từ vựng qua đọc sách. Trong ổ cứng trên máy của tôi có hàng ngàn cuốn ebook có chủ đề mà tôi ưa thích. Và tôi thường chọn ra 2 – 3 cuốn để đọc mỗi ngày. Trong quá trình đọc nếu như có từ nào không hiểu, tôi sẽ đánh dấu lại cả câu có chứa từ đó. Sau khi đọc hết chương đó thì tôi sẽ quay lại những chỗ đánh dấu và tra từ điển trên máy để tìm nghĩa của nó.
Tại sao phải đánh dấu cả câu thay vì chỉ riêng 1 từ? Bởi vì từ vựng sẽ có nghĩa khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh. Cho nên xem xét từ vựng trong ngữ cảnh của cả câu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn ý nghĩa của nó. Đồng thời việc xem cả câu sẽ giúp bạn ghi nhớ từ vựng đó lâu hơn vì bản thân từ vựng không nói lên 1 ý hoàn chỉnh như cả câu. Hay nói cách khác, ngữ cảnh sẽ gợi nhớ từ vựng hiệu quả hơn.
Còn 1 tuyệt chiêu nữa trong reading mà tôi cũng muốn chia sẻ với bạn. Đó là ĐỌC THẬT NHANH. Nhiều người nghĩ rằng đọc nhanh sẽ bỏ sót ý khiến họ không hiểu nội dung trọn vẹn. Thực ra, chính việc đọc quá chậm mới khiến bạn bỏ sót ý quan trọng. Như tôi đã nói lúc nãy, từ vựng không mang một ý nghĩa hoàn chỉnh. Do đó, nếu bạn đọc quá chậm thì bạn chỉ tóm được nghĩa của từ mà thôi. Còn khi đọc nhanh, bạn sẽ bao quát được cả câu và ý nghĩa của câu thì luôn trọn vẹn. Như vậy bạn sẽ cảm thấy dễ hiểu hơn khi đọc.
Và đây là bí quyết cuối cùng, bạn HÃY ĐỌC LIÊN TỤC ĐỪNG NGHỈ. Nghĩa là đừng để bất kì cái gì làm gián đoạn quá trình đọc của bạn. Khi gặp từ vựng không hiểu, bạn đánh dấu vị trí rồi cứ tiếp tục đọc. Nếu gặp từ vựng không hiểu nữa thì vẫn làm như vừa rồi. Tại sao lại phải đọc liên tục? Bí quyết là để dòng suy nghĩ của bạn chảy liên tục. Để tôi giải thích thêm. Bạn có bao giờ xem 1 bộ phim rất hay và nó đang đến hồi gay cấn. Bỗng nhiên, màn hình TV nhảy sang chương trình quảng cáo. Bạn cảm thấy thế nào? Rất khó chịu đúng không? Và sau chương trình quảng cáo, bạn quay trở lại để xem tiếp bộ phim. Nhưng lúc này bạn không còn cảm hứng như lúc đầu nữa. Bởi vì dòng suy nghĩ của bạn bị gián đoạn. Reading cũng vậy, nếu như đang đọc mà bạn cắt ngang để làm việc khác thì dòng suy nghĩ của bạn của bạn cũng bị gián đoạn.
Speaking và Writing là kết quả của Listening và Reading. Nếu bạn nghe tốt thì bạn cũng sẽ nói tốt và nếu bạn đọc tốt thì cũng viết tốt.

Speaking

Về môn speaking, vấn đề lớn nhất chính là phát âm. Vậy làm sao để phát âm tốt? Bí quyết ở đây chính là nghe nhiều. Bạn có thấy lạ không? Luyện speaking bằng cách nghe nhiều? Nghe có vẻ mâu thuẫn nhỉ? Xin thưa với bạn là không. Listening là trợ thủ đắc lực của speaking. Để tôi giải thích cho bạn tại sao lại như vậy. Khi bạn nghe nhiều, dần dần các khuôn mẫu phát âm sẽ in sâu vào tâm trí của bạn. Và sau này, khi bạn phát âm, bạn cũng sẽ có xu hướng cố gắng phát âm sao cho đúng khuôn mẫu mình đã quen nghe. Mỗi khi bạn phát âm sai thì bạn sẽ biết ngay liền và sẽ tự điều chỉnh để sao cho giống với cách phát âm mà bạn đã nghe trong quá trình luyện listening.
Tuy listening đóng vai trò quan trọng trong speaking, nhưng bạn cũng cần phải luyện phát âm, dặc biệt là ngữ điệu. Quả thực để có thể nói giống người bản xứ không dễ chút nào vì chúng ta bị ảnh hưởng của tiếng Việt quá nhiều. Cho nên khi bắt đầu, bạn không cần phải cố gắng quá sức. Bạn cứ nghe và cố phát âm sao cho thật giống là được. Nhớ chú ý đến ngữ điệu.

Writing

Về phần Writing, cũng có một bí quyết để thành công trong môn này. Đây là điều rõ ràng ngay trước mắt nhưng lại chẳng ai thấy. Bạn hãy nghe kĩ đây: HÃY VIẾT NHƯ NÓI. Đúng vậy đấy, bạn nói thế nào thì hãy viết như thế đó. Nếu bạn cảm thấy khó khăn không biết mình phải nhập đề thế nào nghĩa là bạn đang cố gắng viết không như bạn nói. Bạn biết đấy, nói là 1 việc rất tự nhiên. Bạn không cảm thấy khó khăn khi bạn nói đúng không, ý tôi là tiếng Việt đấy? Thực ra bạn không cần phải có vốn từ vựng quá nhiều hay kiến thức ngữ pháp quá cao để có thể viết tốt. Bởi vì trong writing, điều làm nên thành công chính là nội dung chứ không phải hình thức con chữ hay câu cú. Nếu bạn không tin tôi thì xin hãy mua 1 vài quyển sách bán chạy nhất về mà xem. Tôi đơn cử quyển “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” của Adam Khoo. Bạn hãy giở ra mà xem, ông ấy VIẾT NHƯ NÓI. Đọc sách bạn có cảm giác như ông ấy đang nói chuyện trực tiếp với mình. Tôi đã đọc rất nhiều sách và tôi có thể khẳng định với bạn rằng, sách nào có văn phong bình dân, giản dị, gần gũi với một nội dung hay thường là những quyển sách bán chạy nhất. Cũng có rất nhiều quyển sách có nội dung rất hay nhưng tiếc rằng cách viết và văn phong lại quá trang trọng, khiến cho bài viết càng thêm khó hiểu. Một ví dụ khác đó chính là bài viết bạn đang đọc đây. Bạn có cảm thấy khó hiểu không? Khi tôi viết những dòng này là tôi đang tưởng tượng bạn đang ngồi trước mặt tôi, và tôi đang nói chuyện với bạn. Đây là những gì tôi nói với bạn nhưng ở dạng chữ viết. Đơn giản vậy đấy.
Tóm lại, trong tất cả những bí quyết mà tôi đã nêu ra, thì có 1 bí quyết đều áp dũng cho các 4 kĩ năng, đó là: LUYỆN TẬP, LUYỆN TẬP và LUYỆN TẬP. Vâng, hãy luyện tập thật nhiều vào thì bạn sẽ trở nên thành thạo.

PRACTICE IS THE MOTHER OF SKILLS.

Những tuyệt chiêu thuyết trình


Những tuyệt chiêu thuyết trình 

Vũ khí bí mật thay thế Powerpoint già nua – PREZI

Tôi đã sử dụng công cụ này trong lớp vài lần và được nhiều người hỏi nên hôm nay tôi muốn chia sẻ công cụ này với mọi người. Xin giới thiệu PREZI, công cụ thuyết trình mới thay thế PPT.
Nếu bạn không biết nó là gì thì hãy xem 1 vài bài thuyết trình được làm bằng PREZI đây:
PREZI cho bạn đăng kí tài khoản miễn phí nhưng lại bị giới hạn nhiều tính năng. Tuy nhiên nếu bạn để ý thì sẽ thấy nó có 1 phiên bản đặc biệt dành cho học sinh và giáo viên hoàn toàn miễn phí. Điều kiện duy nhất là bạn phải có email có chữ edu ở trong đó. Và bạn đã có cái email đó rồi đấy, chính là email sinh viên hoặc giáo viên mà nhà trường cấp cho bạn. Giờ bạn chỉ cần đăng kí thôi. Hãy làm như sau:
Vào địa chỉ sau:
Chọn phiên bản Edu Enjoy. Sau đó, bạn phải nhập email có chữ edu của mình vào nhấn Continue để tiếp tục. Tiếp theo, bạn nhập thông trường, thành phố để xác nhận. Cuối cùng, bạn vào hộp thư của mình và kích hoạt đường link. Vậy là bạn đã có tài khoản PREZI miễn phí với những tính năng “có phí” rồi đó.
Bạn sẽ tốn 1 chút thời gian để làm quen với cách thức làm việc và giao diện của PREZI. Nó cũng cung cấp cho bạn hướng dẫn từng bước bằng video nên bạn không phải lo lắng.
Ngoài những ưu điểm chắc bạn cũng đã thấy, nó cũng có 1 vài khuyết điểm sau:
  • Bạn phải online và đăng nhập tài khoản mỗi khi muốn tạo file mới.
  • Sau khi thiết kế xong, bạn phải download file nén chứa các tập tin của nó để thuyết trình offline trên máy.
  • Và bạn không thể chỉnh sửa offline được. Nếu muốn chỉnh sửa thì bạn phải đăng nhập sau đó lại download về file mới.
Dưới đây là vài bài thuyết trình tôi đã làm với PREZI:
  1. Bấm để xem
  2. Bấm để xem
  3. Bấm để xem
Còn chần chừ gì nữa? Đăng kí ngay 1 tài khoản PREZI đi nào. Tôi dám cá rằng tụi bạn của bạn sẽ há hốc mồm khi xem bạn thuyết trình đấy. Tôi đã làm qua nên biết mà.

Bạn vẫn muốn chung thủy với Powerpoint?

Nếu bạn vẫn muốn tiếp tục dùng PPT thì sao? Không sao cả, tôi muốn chia sẻ 1 vài kinh nghiệm với bạn.
Bạn biết đấy, những chủ đề bạn thuyết trình có lẽ ai đó đã làm trước bạn và họ thực sự tốt bụng nên chia sẻ file PPT của họ lên mạng. Vậy tại sao bạn không tận dụng nó thay vì phải làm mọi thứ từ con số 0. Sau đây là cách mà tôi thiết kế PPT trong nháy mắt trong vòng chưa tới 10 phút với bất kì bài thuyết trình nào.
Giả sử chủ đề mà bạn phải thuyết trình là “Body language”. Bạn lên Google và gõ vào theo cú pháp sau:
Body language filetype:ppt
Google sẽ hiện ra tất cả các file PPT về Body language mà nó tìm thấy trên mạng. Công việc bây giờ bạn phải làm là chọn file PPT mình muốn dùng. Thay vì phải download từng file về xem, bạn hãy nhấn vào dòng chữ Xem nhanh để Google mở lên cho bạn xem trước để duyệt nội dung. Nếu cảm thấy ưng ý thì hãy download về. Sau đó, bạn hãy chỉnh sửa nội dung, loại bỏ những thông tin không cần thiết, thay đổi hình thức trình bày, màu sắc sao cho phù hợp. Vậy là xong rồi đó.
Bạn thấy không, quá dễ. Chỉ cần lên mạng, tìm file PPT đã được làm sẵn và chỉnh sửa lại cho phù hợp là bạn có thể sử dụng để thuyết trình. Bởi vì nội dung và bố cục đã được thiết kế sẵn nên bạn sẽ không phải tốn nhiều thời gian làm mọi thứ từ đầu. Và đó chính là cách mà tôi luôn sử dụng khi chuẩn bị bài thuyết trình bằng PPT. Nói nhỏ cho bạn biết nha, không những tôi mà kể cả giáo viên họ cũng dùng cách này đấy. Chứ bạn nghĩ họ tự thiết kế bài giảng của họ à?

WORK SMARTER, NOT HARDER.

Luật hấp dẫn là gì và tại sao nó bullshit?



Luật hấp dẫn là gì và tại sao nó bullshit?

Luật hấp dẫn (Law of Attraction) là gì?
Vào năm 2006, một bộ phim tài liệu trên DVD có tên gọi “The Secret” được phát hành. Bộ phim tài liệu này bao gồm 1 chuỗi các bài phỏng vấn các tác giả để bàn về 1 quy luật “thần bí” được gọi là Luật hấp dẫn (Law of Attraction). Luật hấp dẫn này cho rằng tất cả mọi thứ con người cần hoặc muốn đều có thể có được bằng cách tin rằng mình sẽ nhận được điều đó, liên tục suy nghĩ về nó, và duy trì một trạng thái cảm xúc tích cực để “thu hút” nó (nguyên bản tiếng Anh trích từ Wikipedia: … everything one wants or needs may be accomplished by believing that one will receive that outcome, repeatedly thinking about it, and maintaining positive emotional states to “attract” it).
Sau đó, Luật hấp dẫn này trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Hàng loạt sách thể loại self-help viết về nó được phát hành liên tục với doanh thu rất thành công. Và cũng không ngoại lệ, mấy tay diễn giả VN cũng tranh thủ mượn cái luật này để dạy học viên về “quy luật để thành công”. Nếu bạn đã từng nghe tay diễn giả nào đó giảng bài, chắc chắn bạn sẽ nghe những điều quen thuộc sau đây: “Vũ trụ này dư dật, bạn có thể có được mọi thứ bạn muốn, nó sẽ tự động đem đến cho bạn…”.
Và tại sao nó bullshit?

Bây giờ, nếu bạn thực sự biết suy nghĩ, bạn sẽ thấy 1 điều rằng Luật hấp dẫn này là bullshit. Liệu bạn có thể có được một thứ gì đó chỉ bằng cách suy nghĩ liên tục về nó? Giả sử tôi muốn giàu có, nếu theo Luật hấp dẫn này thì tôi cứ suốt ngày suy nghĩ trong đầu rằng mình sẽ giàu có. Và tôi tưởng tượng cảnh mình đi xe hơi đắt tiền, đi chơi ở những nơi dành cho đại gia, bên cạnh lúc nào cũng có 2 em gái đẹp khoác tay… vậy là tôi sẽ có được những thứ đó vào 1 ngày nào đó? Nếu bạn thực sự tin như vậy thì tôi khuyên bạn nên tỉnh lại đi. Bạn muốn có được thứ gì đó bằng niềm tin à? Nếu vậy thì trên đời này sẽ chẳng có ai đau khổ, chẳng có ai nghèo đói cả. Và đấy chính là cái bullshit mà tôi muốn nói.
Nhưng xin bạn đừng lo, vẫn còn 1 Luật hấp dẫn khác. Luật hấp dẫn này mới là địch thực. Nó không liên quan gì đến yếu tố “tâm linh thần bí” mà không ai có thể chứng minh được như ở trên. Nhưng trước khi bàn về phiên bản Luật hấp dẫn này, tôi muốn thông qua thuyết giá trị trước bởi vì nó là cơ sở cho Luật hấp dẫn của tôi.
Thuyết giá trị
Con người luôn bị thu hút bởi những thứ có giá trị cao. Nếu tôi để lên bàn 1 chiếc iPhone 5 và 1 chiếc Nokia “đập đá” và cho bạn chọn 1 trong 2 thì bạn sẽ chọn cái nào? Chắc chắn là iPhone, bởi vì nó có GIÁ TRỊ CAO. Nếu tôi để lên bàn 1 tờ 500.000 đồng và 1 tờ 1000 đồng và bảo bạn chọn 1 trong 2 tờ đó. Chắc chắn bạn sẽ lấy 500.000 đồng, bởi vì nó có GIÁ TRỊ CAO. Bạn thấy không, con người rất khó mà cưỡng lại những thứ có giá trị cao. Hay nói một cách khác, con người bị THU HÚT bởi những thứ giá trị cao đó.
Đây chính là nền tảng để giải thích “Luật hấp dẫn” của tôi.
“Luật hấp dẫn” của Hiếu Hoàng
Sau đây là phiên bản Luật hấp dẫn của tôi. Nó hoàn toàn khác xa Luật hấp dẫn bullshit của bọn diễn giả mà tôi đã đề cập ở trên. Và nó được phát biểu như sau:
NGƯỜI CÓ SỨC THU HÚT VÀ SỨC ẢNH HƯỞNG LỚN CHÍNH LÀ NGƯỜI CÓ GIÁ TRỊ CAO.
Đơn giản vậy đấy. Nếu bạn muốn mình thu hút ư? Hãy là người có giá trị cao.
Tôi biết bạn đang phân vân: Làm sao để tôi có giá trị cao? Rất đơn giản, chỉ cần bạn thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện sau đây:
Làm những điều mà ít người làm được.
Sở hữu những thứ mà ít người có được.
Để tôi cho bạn một vài ví dụ minh họa:
Cách đây vài năm, đội tuyển Robocon của trường ĐH Sư phạm kĩ thuật đoạt giải nhất quốc gia và đại diện cho VN đi thi đấu quốc tế. Ngay sau đó, các thành viên trong nhóm được các công ty có tiếng gửi thư để mời về làm cho công ty của họ. Và đó chính là LUẬT HẤP DẪN đang hoạt động. Bạn thấy đấy, đâu phải ai cũng có thể đoạt giải nhất cuộc thi Robocon. Nhưng những người này làm được điều đó, và điều này thỏa mãn điều kiện 1 của luật hấp dẫn: Làm những điều mà ít người làm được. Do vậy, họ trở thành những người có GIÁ TRỊ CAO, và hễ có giá trị cao thì sẽ “thu hút”. Các công ty không thể cưỡng lại sự thu hút đó và đã gửi thư mời họ về làm việc.
Thêm 1 ví dụ nữa. Cái này có vẻ gần gũi với bạn hơn. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao những người đẹp lại thường thu hút người khác? Đừng nói với tôi là bởi vì họ đẹp, đó là câu trả lời huề vốn. Đơn giản thôi, bởi vì số người đẹp trên đời này thuộc vào loại thiểu số. Cho nên họ “Sở hữu những thứ mà ít người có được” (Điều kiện 2). Và do vậy họ có GIÁ TRỊ CAO. Mà hễ có giá trị cao thì sẽ hấp dẫn. Đơn giản vậy đấy.
Một ví dụ nữa. Bạn biết Ngô Bảo Châu chứ? Ai mà lại không biết đúng không? Sau khi ông ấy được nhận giải Fields, hàng loạt các bài báo được đăng về sự kiện này. Tôi cũng có đọc vài bài báo phỏng vấn 1 số sinh viên cảm nhận về Ngô Bảo Châu và thấy rằng hầu như ai cũng ngưỡng mộ ông ấy. Thậm chí có người còn bảo rằng sẽ đặt tên con tương lai của mình là Bảo Châu. Vậy tại sao ông ấy lại thu hút đến thế? Cũng giống như ở trên, ông ấy thỏa mãn điều kiện 1 của Luật hấp dẫn: Làm những điều mà ít người làm được. Vâng, bao nhiêu người trên đời này có thể đoạt được giải thưởng Fields? Không nhiều. Điều đó khiến Ngô Bảo Châu có GIÁ TRỊ CAO. Và cũng như ở trên, hễ có giá trị cao thì sẽ thu hút.
Thêm 1 ví dụ cuối cùng. Bạn có thấy Cường Đôla hấp dẫn không? Có chứ sao không. Chứ nếu không thì bạn nghĩ làm sao hàng tá người đẹp đều qua tay chàng. Vậy bạn nghĩ tại sao Cường lại thu hút đến vậy? Đơn giản thôi, bời vì nhà Cường giàu, hay chính xác hơn là: Cường có một bà mẹ siêu giàu. Bạn thử nghĩ mà xem, bao nhiêu người trên đời này có một bà mẹ như thế? Không nhiều phải không? Nghĩa là Cường “Sở hữu những thứ mà ít người có được”. Và do đó Cường có GIÁ TRỊ CAO. Và hễ có giá trị cao thì sẽ hấp dẫn. Quá đơn giản.
Và còn hàng ngàn ví dụ khác nữa. Diễn viên, ca sĩ, người mẫu, những người giàu có, tất cả họ đều thu hút và có sức ảnh hưởng bởi vì họ “Sở hữu những thứ mà ít người có được”. Hãy cho tôi 1 người nào đó bạn cảm thấy hấp dẫn, thu hút, tôi sẽ cho bạn thấy họ có GIÁ TRỊ CAO như thế nào. Và GIÁ TRỊ CAO chính là nguyên nhân khiến họ thu hút. Đây mới là Luật hấp dẫn thực sự.
Lời kết
Vậy là bạn đã biết bí mật của sự hấp dẫn. Việc bây giờ bạn cần làm là suy nghĩ xem có thể vận dụng quy luật này vào trường hợp của mình như thế nào. Chỉ cần bạn thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện thu hút (thỏa mãn cả 2 luôn thì càng tốt) là bạn đã hấp dẫn rồi đó. Hãy nhớ, GIÁ TRỊ CAO chính là chìa khóa.
by : Hiếu Hoàng (http://hoangleminhhieu.com/luat-hap-dan-la-gi-va-tai-sao-no-bullshit/ )

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Tạo Qr Code Ẩn Bảo Mật Nhất Thế Giới


Tạo Qr Code Ẩn Bảo Mật Nhất Thế Giới

Các nhà nghiên cứu vừa tạo ra một loại QR Code hoàn toàn ẩn dưới ánh sáng thông thường. QR Code này thuộc loại bảo mật nhất thế giới, giúp hạn chế việc giả mạo thông tin hàng hóa và các văn bản quan trọng…
Để “in” Qr code đặc biệt này, người ta cần file Qr code đã được số hóa thành dữ liệu Cad và chuyển sang công đoạn phun một loại mực đặc biệt có khả năng phát sáng dưới ánh sáng laser cận hồng ngoại. Công đoạn đọc và kiểm tra QR Code cần đến máy chiếu laser để giúp loại mực in Qr code phát sáng, sau đó hình ảnh được chụp lại và các thiết bị hỗ trợ đọc Qr Code như Android phone, iPhone…hoàn toàn kiểm tra được thông in.
in QR Code dac biet
“in” loại Qr code ẩn này với một loại mực đặc biệt, có thể phát sáng dưới kích thích của laser
invisible qr code, cach doc qr code an
Đọc QR Code với các thiết bị thông thường
Video giới thiệu quá trình nghiên cứu và chế tạo QR Code đặc biệt này:
QR Code, viết tắt của Quick response code (tạm dịch “Mã phản hồi nhanh”) hay còn gọi là mã vạch ma trận (matrix-barcode) là dạng mã vạch hai chiều (2D) có thể được đọc bởi một máy đọc mã vạch hay smartphone (điện thoại thông minh) có chức năng chụp ảnh (camera) với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch.

Có thể kể ra đây khá nhiều các cách sử dụng QR Code có thể sẽ được sử dụng rộng rãi trong tương lai như:
Sử dụng tại các bến xe bus : người sử dụng khi quét mã QR Code của bến xe bus sẽ biết thông tin về các chuyến xe sắp tới.
Sử dụng tại bảo tàng : người sử dụng chỉ cần quét mã QR Code đặt cạnh vật trưng bày là biết được thông tin chi tiết và cập nhật về đồ vật đó.
Sử dụng để mua hàng ở bất kỳ đâu : người sử dụng khi đi tàu điện ngầm, xe bus … nếu thấy thích mặt hàng đang quảng cáo trên đó có thể đặt mua ngay lập tức thông qua QR Code và Mobile Internet.
Sử dụng tại siêu thị : người mua có thể quét mã QR Code để biết được hàm lượng dinh dưỡng của đồ ăn cần mua.
Sử dụng tại các hội thảo : người tham gia hội thảo có thể sử dụng QR Code thay cho Business Card của mình.
Sử dụng với các tờ báo/tạp chí giấy : người đọc có thể quét mã QR Code được in trong tờ báo/tạp chí giấy để truy cập phiên bản online/mobile của tờ báo/tạp chí này.
Sử dụng tại quán bar/club : để xác định xem ca sỹ, ban nhạc, bài nhạc đang chơi là ai/bài nhạc gì?
Sử dụng với các món ăn : để biết được công thức và cách chế biến món ăn.
Sử dụng trong các TVC : để tăng độ tương tác với khách hàng của TVC.
Sử dụng với đồ vật cá nhân (xe, áo thun…) : để cung cấp thông tin về chủ nhân…
Sử dụng để thu tiền xe ô tô : thay vì việc phải dừng lại trạm thu phí, xe ô tô có thể di chuyển qua trạm với tốc độ vừa phải mà vẫn nộp được phí nếu được gắn QR Code trên xe.

Kỹ Thuật Ngược – Công Nghệ Sao Chép Kiểu Dáng Sản Phẩm


Kỹ Thuật Ngược – Công Nghệ Sao Chép Kiểu Dáng Sản Phẩm

Công đoạn thiết kế chiếm vị trí hết sức quan trọng trong việc phát triển sản phẩm. Ở đó, người thiết kế phác họa ra hình hài cho ý tưởng , tối ưu các đặc tính cơ học- vật liệu , và rồi xuất dữ liệu phục vụ gia công. Qúa trình hết sức tự nhiên đó gọi là thiết kế thuận (Forward Engineering). Theo dòng chảy công nghệ, người ta phát triển thêm một kỹ thuật được gọi là Kỹ thuật ngược (Reverse Engineering), cũng có thể gọi là thiết kế ngược, bởi hầu hết đều tập trung vào vấn đề làm cách nào để thiết kế sản phẩm từ mẫu có sẳn.
scan 3d và thiết kế ngược CAD, tạo mẫu nhanh, in 3d

Kỹ thuật ngược là gì?

Kỹ thuật ngược không hề mới lạ,  tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, nó được nâng lên tầm cao mới với sự trợ giúp của công nghệ máy tính và thiết bị đo kiểm. Xét về bản chất, kỹ thuật ngược là quá trình sao chép mẫu có sẳn, bắt đầu từ việc thu nhận dữ liệu vật lí (thông qua các máy scan 3D, CMM) rồi tiến hành số hóa thành dữ liệu 3D CAD ( thông qua phần mềm thiết kế ngược). Kết quả của quá trình sao chép này có thể là mô hình nhân bản hoặc biến thể phụ thuộc vào mục đích của nhà sản xuất.

Quy trình kỹ thuật ngược

   Quét mẫu 3D:

Để có được hình dáng mẫu, người ta dùng máy đo tọa độ CMM ( Coordinate Measuring Machine ), khi đầu đo của máy tiếp xúc với vị trí nào trên mẫu, máy sẽ thu nhận tọa độ 3 chiều (x,y,z) của điểm đó. Tập hợp các điểm đo được tạo nên một đám mây điểm( Point cloud).
Hiện nay, người ta sử dụng các máy quét laser 3D có nhiều ưu điểm hơn hẳn phương pháp đo tiếp xúc. Máy scan 3d chiếu một chùm tia laser vào vật thể và thu nhận phản hồi, phần mềm sẽ tính toán độ trễ phản hồi của tia laser, từ đó xác định được vị trí tương quan của các điểm trên mô hình. Kết quả là có một đám mây điểm hoặc file lưới tam giác stl phục vụ cho công đoạn thiết kế ngược.

   Mô hình hóa 3D CAD:

Dữ liệu lấy được sau quá trình quét mẫu là đám mây điểm, hoặc file lưới tam giác stl. Thông thường đám mây điểm sẽ được chuyển đổi thành lưới tam giác. Người ta sử dụng những phần mềm chuyên dụng để xây dựng mô hình 3D từ dữ liệu scan: Geomegic studio, Rapidform XOR, Rhino, Catia, Solidworks… Công đoạn này được gọi là thiết kế ngược.

Ứng dụng của kỹ thuật ngược

Kỹ thuật ngược giúp tối ưu quá tình phát triển sản phẩm, thông qua việc giảm thời gian thiết kế và hiệu chỉnh mẫu chế thử. Kỹ thuật ngược ban đầu ra đời phục vụ cho việc sao chép mẫu. Có những chi tiết máy, không còn sản xuất nữa hoặc bản vẽ gia công bị thất lạc. Lúc này phải nhờ tới công nghệ scan quét mấu 3D , thiết kế ngược để  có thể gia công lại chi tiết “gần giống” như chi tiết gốc.

     Số hóa mô hình mẫu (prototype)

Kỹ thuật ngược - Scan quét mẫu 3D- Tạo mẫu nhanh
Các kỹ sư xây dựng mô hình 3D từ mô hình đất sét
Việc thiết kế kiểu dáng xe hơi, xe máy, hay các sản phẩm cao cấp bất kỳ, thường được bắt đầu từ mô hình đất sét, xốp, gỗ.. dưới bàn tay cắt gọt của các nghệ sĩ. Khi mô hình mẫu đã hoàn tất, kỹ thuật ngược giúp tạo nên mô hình 3D trên máy tính với các yêu cầu về tính đối xứng, độ mượt bề mặt… cung cấp dữ liệu cho quá tình phân tích đặc tính cơ học , thủy khí động học…

    Tạo mẫu nhanh- Rapid prototyping

Sự hoàn thiện không ngừng của kỹ thuật ngược hổ trợ rất nhiều cho ngành công nghiệp tạo mẫu nhanh. Khi đã có mô hình bản sao sản phẩm trên máy tính, người thiết kế có thể chỉnh sửa kiểu dáng và tối ưu vật liệu. Sau đó xuất mô hình lưới tam giác stl để phục vụ quá tình tạo mẫu chế thử( còn được gọi là in 3D, tạo mẫu nhanh, Rapid prototyping). Các máy tạo mẫu nhanh ( 3D Printer) làm việc với dữ liệu stl, và có thể in được nhiều chất liệu lên một sản phẩm!
Hiện nay ở Việt Nam, kỹ thuật ngược đang được ứng dụng rộng rãi. Rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ tạo mẫu nhanh, thiết kế ngược, scan quét mẫu 3D. Đó là tín hiệu đáng mừng để ngành công nghiệp sản xuất chế tạo của Việt Nam bắt kịp công nghệ của thế giới.

Tìm Hiểu ( Workstation ) Cho Ngành Cơ Khí


Tìm Hiểu Workstation Cho Ngành Cơ Khí- Phần 1


may tinh workstation do hoa 3d, Workstation dùng trong thiết kế máy
Workstation dùng trong thiết kế máy

1.Workstation là gì ?

Workstation hay máy trạm làm việc có thể hiểu đơn giản là những máy tính có cấu hình mạnh và độ ổn định cao được sử dụng trong các lĩnh vực đồ họa kỹ thuật cơ khí, kiến trúc, xây dựng, làm phim 3D, xử lí âm thanh, hình ảnh, biên tập phim… Mặc dù nhiều người vẫn có thói quen dùng máy desktop để thực hiện những công việc nói trên và ngày nay cấu hình của máy desktop cũng mạnh hơn trước rất nhiều nhưng việc sử dụng workstation vẫn rất cần thiết bởi những lí do sau đây :
          –  Cấu hình và hiệu năng cao. Đây là ưu điểm dễ nhận ra nhất giữa workstation và desktop vì các workstation thường có cấu hình cao để đảm nhiệm khối lượng tính toán lớn, xử lí đồ họa chuyên nghiệp kèm theo một không gian lưu trữ dữ liệu rộng lớn, an toàn và có thể truy xuất nhanh chóng.
          – Chuyên nghiệp. Workstation được thiết kế hướng đến các ứng dụng chuyên biệt và luôn được kiểm tra trong những điều kiện nghiêm ngặt nhất (chứ không đơn giản là láp ráp các linh kiện rời rạc sẵn có như dòng máy desktop phổ thông) bảo đảm mang đến cho người dùng một sự kết hợp hoàn hảo giữa phần cứng và phần mềm.
          – Độ tin cậy cao. Workstation có độ tin cậy cao hơn PC do được trang bị những phần cứng cao cấp như bộ nhớ có tính năng kiểm tra lỗi ECC, nguồn công suất lớn, hệ thống giải nhiệt hiệu quả cao để duy trì tính ổn định khi workstation hoạt động liên tục trong thời gian dài.
          – Dễ nâng cấp. Đa số workstation đều được thiết kế ở dạng tool-less nên việc tháo lắp, nâng cấp, thay thế linh kiện hoàn toàn có thể thực hiện nhanh chóng bằng tay mà không cần dùng đến những dụng cụ tháo lắp.

2. Các thành phần cơ bản của Workstation

CPU (chỉ xét dòng CPU của Intel)
Trong lĩnh vực cơ khí, workstation dùng để thiết kế, phân tích, kiểm nghiệm độ bền của sản phẩm; mô phỏng quá trình lắp ráp, hoạt động của máy móc và lập trình gia công CNC… Để xử lí được khối lượng công việc nói trên một cách nhanh chóng và hiệu quả, các workstation thường không dùng những CPU phổ thông (Core 2 Duo, i Series) mà được trang bị bộ vi xử lí Xeon với những ưu điểm vượt trội về tốc độ, bộ nhớ đệm và các công nghệ cao cấp như ECC RAM Support, Intel Demand Based Switching… Ngoài những ưu điểm về phần cứng, dòng CPU Xeon còn được nhiều hãng cung cấp phần mềm độc lập (Independent Software Vendors – ISV) như AutoDesk, PTC, Dassault Systèmes tiến hành thử nghiêm và đưa ra những chứng thực về mức độ hiệu quả trong từng ứng dụng cụ thể. Đây cũng là một yếu tố giúp người dùng có cơ sở để lựa chọn CPU phù hợp nhất với công việc trong hiện tại và tương lai.
CPU Intel Xeon 5600 workstation
Hình 2 : CPU Intel Xeon 5600
Hiện tại, Intel có 5 dòng CPU Xeon hướng đến việc cung cấp cho các worstation bao gồm các dòng Xeon E3-1200, Xeon E5-1600, Xeon E5-2600, Xeon 3600 và Xeon 5600. E3-1200 là dòng CPU dựa trên kiến trúc Sandy Bridge 32nm, tích hợp công nghệ đồ họa Intel HD Graphic P3000 và tiêu thụ ít điện năng. Nó được dùng trong các workstation cơ bản để chạy những ứng dụng không có yêu cầu cao về xử lí đồ họa. Hai dòng Xeon 3600 và 5600 dành cho những workstation trung cấp và cao cấp. Chúng không tích hợp công nghệ đồ họa như dòng Xeon E3 mà thay vào đó là những công nghệ tăng cường khả năng tính toán và trao đổi dữ liệu. Đối tượng mà hai dòng CPU này hướng đến là những phần mềm CAD/CAM và đặc biệt là những phần mềm CAE dựa trên phương pháp phần tử hữu hạn như Ansys, Moldex3D … Xeon E5-1600 & E5-2600 là hai dòng CPU mới dựa trên kiến trúc Sandy Bridge-EP vừa được Intel phát hành trong quí I năm 2012 để thay thế cho hai dòng 3600 & 5600 (kiến trúc Nehalem 32nm). Hiện tại chúng chỉ mới có mặt trong một số workstation của HP. Thông số cơ bản về năm dòng CPU Xeon được cho trong bảng 1
CPU Intel Xeon 5600 workstation (2), Thông số cơ bản 5 dòng CPU Xeon
Bảng 1 : Thông số cơ bản 5 dòng CPU Xeon
Mainboard
Có cùng chức năng với những mainboard sử dụng trong các dòng máy tính phổ thông nhưng mainboard thiết kế cho workstation có những điểm khác biệt cơ bản sau đây :
  • Sử dụng các chipset cao cấp như x58, 5520, C602
  • Cho phép gắn nhiều CPU
  • Hỗ trợ nhiều kênh nhớ hơn, số lượng khe cắm RAM và dung lượng RAM cũng lớn hơn
  • Tích hợp chipset cấu hình RAID và hỗ trợ nhiều chuẩn giao tiếp ổ cứng SATA, SAS, SSD
  • Linh kiện có chất lượng cao hơn để bảo đảm workstation có thể hoạt động ổn định trong thời gian dài
Mainboard dành cho workstation không phổ biến trên thị trường linh kiện máy tính. Nếu muốn tìm mua chúng, người dùng sẽ không bắt gặp những thương hiệu quen thuộc như Gigabyte, ASUS, MSI mà thay vào đó là những tên tuổi hơi lạ như Supermicro, Tyan. Tuy ít được biết đến nhưng đây mới chính là những workstation được đánh giá cao nhất trên thế giới.
Mainboard S7050 của hãng Tyan
Mainboard S7050 của hãng Tyan, mainboard-tyan-s7050 workstation
Memory
Nguyên tắc càng nhiều càng nhanh thì càng tốt vẫn đúng đối với bộ nhớ dành cho workstation. Ngày nay, hầu hết các workstation đều được trang bị bộ nhớ tối thiểu 4GB DDR3 SDRAM 1333/1066/800MHz và có thể mở rộng lên tới 32GB hoặc thậm chí 768GB. Tuy nhiên người dùng nên cân nhắc việc nâng cấp dung lượng RAM khổng lổ nói trên vì giá của chúng không hề rẻ. Ví dụ, để nâng cấp lên 96GB  DDR3 1333GHz cho workstation Dell Precision T7500 người dùng phải trả thêm 6720USD trong khi giá của workstation tiêu chuẩn với bộ nhớ 6GB DDR3 chỉ có 1849USD !
Một đặc điểm quan trọng nhưng ít người để ý đến là giá trị của những thanh RAM dành cho workstation không chỉ nằm ở dung lượng hay tốc độ mà còn ở tính năng ECC – Error Correcting Code. Nhờ tính năng này mà lỗi trong quá trình truyền tải dữ liệu có thể được khắc phục kịp thời để duy trì máy hoạt động liên tục, không bị treo hay xuất hiện lỗi màn hình xanh. Theo tài liệu do Intel công bố, ECC RAM có thể khắc phục đến 99.9998% lỗi liên quan đến bộ nhớ, giúp workstation hoạt động liên tục, ổn định trong thời gian dài.
Trong quá trình sử dụng workstation, một số người dùng có nhu cầu nâng cấp RAM để cải thiện hiệu suất làm việc của nó. Công việc này khá đơn giản tuy nhiên cần xem xét thật cẩn thận những thông số có liên quan như đặc tính kỹ thuật và dung lượng RAM hiện có, loại RAM được mainboard hỗ trợ, số khe cắm RAM trên mainboard, vị trí cắm RAM để đạt dung lượng và tốc độ như yêu cầu. Nếu cần RAM dung lượng lớn, tốt nhất là đặt hàng từ nhà sản xuất workstation vì những thanh RAM dung lượng lớn hơi khó tìm tại Việt Nam và nếu có, chưa chắc đã tương thích và hoạt động tốt với workstation hiện có.
 Graphic card
Card đồ họa là một linh kiện rất quan trọng đối với các ứng dụng chạy trên workstation. Mức độ đòi hỏi sức mạnh đồ họa của các ứng dụng này có thể chia thành 4 cấp : Professional 2D, Entry 3D, Midrange 3D và High-end 3D và những giải pháp đồ họa chuyên nghiệp này được cung cấp bởi hai nhà sản xuất lớn là NVIDIA và AMD. Những năm trước NVIDIA có phần chiếm ưu thế hơn với dòng sản phẩm nổi tiếng Quadro nhưng gần đây, AMD cũng bắt đầu quay trở lại và tung ra một loạt sản phẩm FirePro mới cạnh tranh với NVIDIA trong cả bốn phân khúc. Tương quan các dòng sản phẩm của hai hãng cho trong bảng 2
Các dòng card đồ họa chuyên nghiệp của NVIDIA và AMD
Bảng 2 : Các dòng card đồ họa chuyên nghiệp của NVIDIA và AMD
Các card đồ họa chuyên nghiệp này mặc dù sử dụng chung GPU với các dòng card đồ họa phổ thông nhưng  trình điều khiển được viết khác hoàn toàn và được kiểm tra cũng như tối ưu hóa trên từng hệ thống đồ họa riêng biệt để mang lại hiệu quả cao nhất cho người sử dụng. Cũng chính vì điều này nên việc dùng những công cụ đánh giá hiệu suất card đồ họa phổ thông sẽ không thể phản ánh chính xác sức mạnh của những card màn hình chuyên nghiệp. Và tất nhiên, những dòng card màn hình phổ thông dù cao cấp cũng không thể cho ra kết quả như dòng card màn hình chuyên nghiệp đã làm. Người viết bài đã từng dùng workstation HP Z600 với card đồ họa NVIDIA Quadro 2000 để mô phỏng quá trình điền đầy khuôn của dòng nhựa lỏng bằng phần mềm Moldex3D. Kết quả khác biệt hoàn toàn so với khi dùng những card màn hình phổ thông. Với card NVIDIA Quadro 2000, hình ảnh dòng nhựa rất mịn và chảy liên tục đều đặn không hề bị giựt, đứt quãng. Điều này chưa hề làm được với những card màn hình phổ thông dù chúng cũng có thể tạo ra những hình ảnh nước chảy, lửa cháy hết sức mượt mà trong game.
Lựa chọn card đồ họa nào ? Để có câu trả lời chính xác, người dùng nên tham khảo cấu hình đề nghị của phần mềm vì có những phần mềm chỉ hoạt động tốt trên một số dòng card đồ họa nhất định. Ví dụ, dù có thể chạy trên cả 2 hệ thống dùng card đồ hoạ Quadro và FirePro nhưng phần mềm Cimatron chỉ hoạt động tốt nhất trên các dòng card Quadro mà thôi. Việc lựa chọn phân khúc nào cũng rất quan trọng vì giá của một card đồ họa cao cấp có thể lên đến 8000USD (mắc gấp nhiều lần một card đồ họa trung cấp). Theo kinh nghiệm của người viết bài, đa phần các công ty cơ khí tại Việt Nam dùng workstation để thiết kế sản phẩm, thiết kế khuôn và lập trình gia công CNC, ít có công việc nào đòi hỏi phải lắp ráp, mô phỏng chuyển động, phân tích CAE quá phức tạp nên chỉ cần đầu tư một card màn hình trung cấp là quá đủ. Điều quan trọng khi dùng card màn hình chuyên nghiệp là phải cấu hình nó đúng với phần mềm đang sử dụng và thường xuyên cập nhật driver mới nhất để sửa lỗi và tận dụng tối đa sức mạnh vốn có của nó.
card màn hình PNY dùng GPU NVIDIA Quadro 6000 giá 8000USD
Hình 4 : card màn hình PNY dùng GPU NVIDIA Quadro 6000 giá 8000US
D